Trong khi các doanh nghiệp cơ khí luôn than thiếu lao động thì sinh viên, học viên ra trường lại khó kiếm việc làm. Nguyên nhân của nghịch lý này là do chất lượng đào tạo chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế của doanh nghiệp, dẫn đến tình trạng cung không đáp ứng đủ cầu nên nhân lực ngành cơ khí đã thiếu lại càng thiếu.
Thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao
Hầu hết các doanh nghiệp lúc nào cũng phải đối mặt với bài toán thiếu lao động tay nghề cao, từ kỹ sư đến công nhân kỹ thuật. Lao động ngành này chỉ mới đáp ứng được nhu cầu về số lượng chứ chưa đáp ứng được nhu cầu chất lượng. Vì thế, không chỉ các công ty cơ khí gặp khó khăn mà người lao động cũng tự đánh mất cơ hội việc làm của mình.
Các công ty cơ khí lúc nào cũng “khát” nhân lực chất lượng cao
Các kỹ sư, công nhân khi ra trường nắm vững lý thuyết nhưng lại thiếu kỹ năng nghề nghiệp, tay nghề thấp nên không thể đáp ứng được yêu cầu công việc. Do đó, khi tuyển dụng, doanh nghiệp phải mất thời gian, chi phí đào tạo lại từ đầu nên doanh nghiệp không tin tưởng vào chất lượng đào tạo của các trường, cơ sở dạy nghề.
Tuyển nhân lực cơ khí chất lượng cao đã khó nhưng việc giữ chân họ còn khó hơn nhiều; số làm được việc thì ít lại không muốn gắn bó lâu dài với công ty. Công việc vất vả, mức lương không đủ trang trải cuộc sống nên nếu doanh nghiệp không có chính sách đãi ngộ tốt, chỗ khác trả lương cao hơn là họ nhảy việc.
Đặc biệt, nguồn nhân lực cơ khí trong nước đang thiếu trầm trọng nhưng lao động ngành này lại thích đi xuất khẩu lao động sang Hàn, Nhật vì mức lương hấp dẫn, nhất là đối với kỹ sư, công nhân kỹ thuật tay nghề cao. Vì thế, các công ty cơ khí trong nước lại càng “khát” nhân lực chất lượng trong khi nhiều học viên vẫn thất nghiệp.
Đào tạo và nhu cầu chưa gặp nhau
Các công ty cơ khí thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao trong khi nhiều cử nhân, học viên ra trường vẫn lận đận tìm việc. Nguyên nhân của tình trạng này là do chất lượng đào tạo chưa đáp ứng được nhu cầu của các doanh nghiệp. Hơn nữa, các trường chưa thực sự hiểu được nhu cầu lao động của doanh nghiệp ra sao để có chương trình đào tạo phù hợp.
Chất lượng đào tạo và nhu cầu doanh nghiệp chưa gặp nhau
Ở những trường đào tạo ngành cơ khí có tiếng, hệ đào tạo vẫn cũ, kiến thức không cập nhật, phù hợp với thực tế. Bên cạnh đó, sinh viên, học sinh học nhiều lý thuyết, ít thực hành; trang thiết bị nghèo nàn; học viên cũng không có cơ hội tiếp cận với máy móc hiện đại nên vô cùng bỡ ngỡ khi ra trường. Đó là chưa kể đến chất lượng đào tạo của nhiều trường, cơ sở dạy nghề còn kém hơn.
Vì vậy, để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho ngành cơ khí cần có sự tương tác chặt chẽ giữa yêu cầu của thị trường lao động và công tác đào tạo, dạy nghề; sự kết hợp giữa lý thuyết trong trường và thực hành ở các xí nghiệp, công ty cơ khí.
Các trường đại học, cao đẳng, trung cấp nên liên hệ với doanh nghiệp để nắm bắt được nhu cầu lao động của doanh nghiệp ra sao, từ đó sẽ có chương trình đào tạo phù hợp. Thêm vào đó, cơ sở đào tạo và doanh nghiệp cần phối hợp chặt chẽ với nhau, giúp học viên có cơ hội thực tập tại doanh nghiệp ngay từ những năm đầu, góp phần nâng cao kỹ năng nghề nghiệp. Doanh nghiệp cũng phải chủ động tìm kiếm nguồn nhân lực tiềm năng và có cơ chế đào tạo phù hợp ngay từ khi học viên đang học trong trường.
Sự mất cân bằng máy nói chung là một hiện tượng có hại do đó cần phải xác định và khi cần thiết phải giảm thiểu...
Xã hội phát triển là nhờ sự hỗ trợ của các phương tiện công nghệ thông tin và máy móc hiện đại. Hàng loạt công trình...